6 chiếc mũ tư duy là phương pháp được TS.Edward de Bono cho ra đời năm 1980. Khi ra đời thì phương pháp này đã nhanh chóng phổ biến bởi tính ứng dụng và hiệu quả mà nó mang lại. Hãy cùng LCT Education tìm hiểu về 6 chiếc mũ tư duy trong điều hành cuộc học qua bài viết dưới đây nhé.
1. Bạn hiểu thế nào là 6 chiếc mũ tư duy?
Có thể hiểu là phương pháp hỗ trợ ra quyết định dựa trên các quan điểm, góc nhìn khác nhau. Theo đó 6 chiếc mũ tư duy gồm mũ (trắng, đỏ, đen, vàng, xanh lá cây và xanh dương. Đại diện cho 6 quan điểm ( dữ liệu, trực giác, tiêu cực, tích cực, sáng tạo và tổng quát) để chia sẻ về cùng một vấn đề.
Nó cũng giúp tránh được những xung đột lớn khi nhiều người tranh luận về cùng một vấn đề nào đó. Phương pháp này áp dụng cho cá nhân hoặc cả một nhóm thảo luận. Điều này khá quan trong vì trong công việc ai cũng cần có tư duy đa chiều nhất là các cấp lãnh đạo, quản lý, giám đốc… trở lên.
2. Đặc điểm của 6 chiếc mũ tư duy
Mũ trắng
Chiếc mũ màu trắng là chiếc mũ đại diện cho tư duy dựa trên dữ liệu thực tế và thông tin có căn cứ, khách quan, lý trí. Người đội mũ màu trắng sẽ đưa ra các ý kiến dựa trên dữ liệu như doanh thu, số lượng khách hàng, tỉ lệ nghỉ việc, tỉ lệ tuyển mới…Và điều quan trọng nhất là người này phải đánh giá khách quan trên các dữ liệu và thông tin có sẵn.
Mũ đỏ
Trái ngược với mũ trắng, người đội mũ đỏ sẽ là người đại diện cho tư duy về mặt trực giác, cảm tính. Lúc này, bạn chỉ cần dựa hoàn toàn trên cảm xúc của mình để đánh giá sự việc mà không cần bất cứ dữ kiện thực tế, lý luận chứng minh nào. Với phương pháp tư duy theo mũ đỏ, bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu suy nghĩ và những phản ứng của người khác.
Mũ đen
Chiếc mũ màu đen sẽ đại diện cho việc tư duy theo hướng phân tích và tìm ra các rủi ro, lỗi sai, sự bất hợp lý… của vấn đề đang trao đổi. Trong phương pháp 6 chiếc mũ tư duy thì việc tư duy theo mũ đen sẽ phù hợp khi bạn muốn xác định được những điểm yếu trong cách giải quyết của bản thân hoặc muốn phân tích mức độ rủi ro của dự án. Trên các thông tin có được đó, bạn sẽ tiến hành điều chỉnh hoặc lên kế hoạch dự phòng để không ảnh hưởng đến công việc.
Mũ vàng
Mũ vàng tượng trưng cho lối tư duy tích cực nhất trong 6 chiếc mũ. Theo đó, khi đội chiếc mũ màu vàng, bạn sẽ đưa ra các ý kiến, phát biểu mang tính lạc quan, tích cực, hi vọng cho công ty để tiếp thêm động lực, niềm tin cho người nghe. Nhờ vào sự lạc quan này sẽ giúp bạn/đồng nghiệp thêm tự tin và không bỏ qua các cơ hội có thể có được nếu triển khai dự án.
Mũ xanh lá cây
Mũ xanh lá cây biểu trưng cho những tư duy sáng tạo trong phương pháp 6 chiếc mũ tư duy. Vậy nên, người đội chiếc mũ này sẽ cần tư duy theo hướng mới lạ mà chưa có ai từng đề cập đến để xử lý vấn đề. Hướng tư duy này có thể có giải pháp hiệu quả hoặc không nhưng bạn không nên bỏ qua để đa dạng các giải pháp cũng như rèn luyện tính sáng tạo, tránh việc phải đi vào lối mòn có sẵn.
Mũ xanh dương
Trong 6 chiếc mũ tư duy thì mũ xanh dương đóng vai trò quản lý để điều phối tổ chức và kiểm soát các chiếc mũ khác. Người đội chiếc mũ này thường là các chủ tọa trong các cuộc họp hay các cuộc thảo luận, có nhiệm vụ tiếp nhận, phân tích các phát biểu được nêu và đưa ra quyết định cuối cùng.
3. Nguyên tắc áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Theo chia sẻ từ TS. Edward de Bono, để áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy hiệu quả, bạn cần giả định mình lần lượt đội từng chiếc mũ và đánh giá về một vấn đề. Khi đó, mỗi mũ sẽ tương ứng với một cách tư duy riêng. Và vì trong 6 chiếc mũ có 3 cặp mũ đối lập, tương ứng với các khía cạnh khác nhau trong việc ra quyết định nên bạn hoàn toàn có thể kết hợp để tư duy cùng một lúc.
- Cặp Trắng – Đỏ: Tư duy theo lý trí và cảm xúc
- Cặp Đen – vàng: Tư duy theo hướng bi quan và lạc quan.
- Cặp Xanh lá – Xanh dương: Tư duy theo sự sáng tạo và nguyên tắc
6 chiếc mũ tư duy trong điều hành cuộc họp
Bước 1: Người điều khiển cuộc họp đội chiếc mũ xanh da trời khái quát vấn đề cần phải giải quyết, sau đó đề nghị mọi người hãy đội chiếc mũ trắng.
Bước 2: Sau khi đội chiếc mũ trắng mọi người chỉ tập trung duy nhất vào các thông tin, dữ kiện liên quan đến vấn đề đang được bàn luận.
Bước 3: Người điều hành cuộc họp đề nghị mọi người đội chiếc mũ xanh lá cây. Đây là chiếc mũ của năng lượng và sáng tạo. Mọi người đưa ra các phương án để giải quyết vấn đề dựa trên dữ liệu thông tin thu được từ bước một.
Bước 4: Ở bước này mọi người đội chiếc mũ màu vàng, đánh giá những ưu điểm của các phương án đã được nêu ra ở bước ba. Ưu điểm của chiếc mũ vàng nằm ở chỗ nó buộc mọi người phải dành thời gian để nhận biết các giá trị.
Bước 5: Người điều khiển đề nghị mọi người đội chiếc mũ đen, đây là chiếc mũ quan trọng nhất . Đội chiếc mũ này mọi người chỉ ra những gì là sai, là không phù hợp trong các phương án đã được nêu ra ở bước thứ ba. Chiếc mũ đen là chiếc mũ của sự cẩn trọng, tránh cho chúng ta không lãng phí tiền bạc và công sức.
Bước 6: Mọi người đội chiếc mũ đỏ và phát biểu những cảm nhận của mình về các phương án được đưa ra. Đó là những linh cảm, trực giác và ấn tượng của cá nhân mỗi người về một phương án nào đó.
Bước 7: Một người đội chiếc mũ xanh da trời để tổng kết và kết thúc buổi làm việc. Chiếc mũ xanh da trời chỉ cho chúng ta thấy kết quả đạt được trong cuộc họp này là gì.
Phương pháp tư duy “Sáu chiếc mũ” cho phép chúng ta đơn giản hóa lối tư duy, mọi người chỉ xem xét một khía cạnh tại một thời điểm, nhờ đó đưa tư duy của mọi người cùng hướng về một phía, tránh sự tranh cãi và hao phí sức lực của nhau.
Chúc bạn sớm áp dụng thành công.