Khi Gen Z bắt đầu đại diện cho phần lớn lực lượng lao động, đây là 9 xu hướng công việc đang lan truyền trong đội ngũ nhân sự trẻ.
Theo Matt Klein, người đứng đầu bộ phận tầm nhìn toàn cầu của Reddit, niềm đam mê của của các thương hiệu cùng các cách truyền thông xã hội mới nhất đã làm giảm giá trị của phương pháp dự báo xu hướng nghiêm ngặt. Nhưng thật khó để dự đoán khi nào những thứ như làm việc cầm chừng (quiet quitting), làm việc ồn ào (loud laborers) và thiên vị (proximity bias) sẽ xuất hiện trở lại khi chúng đã tồn tại trong hàng thập kỷ.
Chúng tôi bắt đầu thấy những ý tưởng cũ này được thể hiện theo những cách mới hơn khi các thế hệ tiếp theo bước vào nơi làm việc và mang đến những quan điểm độc đáo riêng. Vì Gen Z dự kiến sẽ chiếm 30% lực lượng lao động vào năm 2030, và Gen Alpha sẽ tiếp bước theo sau, dưới đây là một số xu hướng và giá trị mà họ đang hồi sinh lại tại nơi làm việc.
1. Cắt giảm trong im lặng và làm việc cầm chừng – Quiet cutting and quiet quitting
Theo một cuộc thăm dò gần đây của Gallup, hơn một nửa số nhân viên Hoa Kỳ tự coi mình là người làm việc cầm chừng, hay còn gọi là bỏ cuộc thầm lặng. Họ là những người đã rời bỏ công việc của mình vì nhiều lý do, điển hình là do không hài lòng và không gắn bó với vai trò của họ hoặc công ty.
Dù xu hướng này đang lan truyền nhanh chóng trên TikTok và trong giới nhân viên trẻ thì khái niệm này không phải là mới. Những ý tưởng và phát ngôn tương tự bắt nguồn từ những năm 90 khi Gen X bước vào nơi làm việc.
Cắt giảm nhân sự trong im lặng đề cập đến việc cách chức nhân viên khỏi vai trò hiện tại một cách nhẹ nhàng. Nó không nhất thiết đạt đến mức độ sa thải. Tuy nhiên, nhiều người lao động vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi cắt giảm trong im lặng vì việc hạ cấp vị trí làm việc có thể ảnh hưởng đến mức độ tự tin, sức khỏe tinh thần và đôi khi là định hướng nghề nghiệp về lâu về dài. Thật không may, đây không phải là một khái niệm mới. Việc này phổ biến và đã xảy ra trong nhiều thập kỷ, ngay từ khi Gen Z vẫn còn học trung học.
Bạn nên coi cắt giảm trong im lặng như một va chạm nhỏ trên con đường sự nghiệp. Những người bị lặng lẽ cắt khỏi vai trò của mình có thể chỉ cần kiên trì, đàm phán các điều khoản mới hoặc rời công ty để tìm kiếm một vị trí mới.
2. Cắt đứt công việc – Rage quitting
Gen Z lớn lên được bao quanh bởi điện thoại thông minh và mạng xã hội, vì vậy họ không ngại nói lên suy nghĩ trong môi trường trực tuyến. Họ cũng không ngại rời bỏ công việc nếu cảm thấy có điều không ổn.
#QuitTok đã tạo ra một loạt video về câu chuyện từ bỏ của mọi người. Xu hướng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2020 khi Marisa Jo Mayes chia sẻ một đoạn video quay cảnh cô nghỉ việc ở công ty.
Cho dù đó là một đoạn ghi hình trực tiếp cảnh ai đó nghỉ việc hay video phỏng vấn, Gen Z đang bắt đầu nâng cao tính minh bạch và mở rộng các cuộc trò chuyện xung quan việc từ chức nơi công sở. Với những video này, lãnh đạo nơi làm việc có thể biết lý do tại sao mọi người nghỉ việc và từ đó họ có thể sửa đổi và cải thiện môi trường làm việc của mình.
Việc cắt đứt công việc đã tồn tại đủ lâu để có những bài hát về nó. Take This Job and Shove It là một bài hát đồng quê mới lạ từ năm 1977 mô tả sự thất vọng khi làm việc quá chăm chỉ nhưng lại nhận được quá ít tiền (một lý do lớn khiến mọi người nổi cơn thịnh nộ bỏ việc). Khi người lao động nhận ra rằng họ đã đầu tư thời gian và công sức nhưng không nhận lại nhiều, họ sẽ để lại lời nhắn chua chát, theo lời của Johnny Paycheck: “Tôi không làm việc ở đây nữa”.
3. Người làm việc ồn ào – Loud Laborers
Bên kia hàng rào là những người lao động ồn ào. Thuật ngữ này bắt nguồn từ một bài báo trên tờ The Guardian của André Spicer, giáo sư về hành vi tổ chức và trưởng khoa Kinh doanh Bayes. Rất có thể bạn đã làm việc cùng hoặc ở cạnh một người lao động ồn ào, một người liên tục nói và tự khen ngợi công việc của mình với người khác, đến mức khiến bạn mất tập trung và khó chịu đựng.
Bạn có nhớ Peter Gibbons trong bộ phim hài Office Space vào năm 1999 không? Anh ấy là ví dụ điển hình của người lao động ồn ào. Ngoài việc không có động lực, anh ấy còn nói những gì mình muốn trong công việc và dường như không quan tâm đến việc nó diễn ra như thế nào.
Trong hầu hết trường hợp, một người lao động ồn ào thậm chí còn không nhận ra bản thân đã đến giai đoạn mà phần lớn mọi người thà bỏ việc còn hơn là đối đầu với họ. Giao tiếp với những người này bằng cách tỏ ra hiểu biết về hành vi của họ là điều quan trọng để tạo ra sự thay đổi. Việc tự suy ngẫm về xu hướng của mình tại nơi làm việc cũng rất hữu ích để đảm bảo rằng chúng ta không phải là người đó trong văn phòng.
4. Nằm dài cả ngày – Bed rotting
Bản thân là một Gen Z, tôi cảm thấy có lỗi khi nói về điều này. Nằm dài trên giường đã trở thành thuật ngữ mới nhất để chỉ việc nằm trên giường trong thời gian dài. Điều này giống với nằm trên giường và xem Tiktok cả ngày, hay thư giãn với một ít đồ ăn trong khi xem TV hàng giờ.
Mặc dù cái tên mới nhưng khái niệm này không còn xa lạ. “Lie abed” là từ tương đương với Bed rotting ở thế kỷ 19, mô tả một người vẫn nằm trên giường đến tận khuya. Trong thực tế, chúng ta đã làm điều này hàng thế kỷ.
Mặc dù từ “rotting” mang hàm ý tiêu cực và chỉ thái độ đơn thuần là không làm gì, tuy nhiên sự phát triển gần đây đã gắn nhãn xu hướng này với tự chăm sóc bản thân.
Căng thẳng, lo lắng, kiệt sức tại nơi làm việc – có nhiều lý do khiến việc quay trở lại giường và tạm gác lại trách nhiệm với thế giới có thể giống như việc tự chăm sóc bản thân. Thỉnh thoảng, sống chậm lại có thể giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng thay vì nằm trên giường, các chuyên gia tâm lý chỉ ra các cơ chế khác để tự chăm sóc bản thân như tạm dừng sử dụng màn hình. Xu hướng này có thể sẽ tiếp diễn vì tất cả chúng ta đều xứng đang có những ngày không phải làm gì cả. Nhưng việc dành cả ngày trên giường có thể không phải là một phương pháp tốt nhất để chống lại những áp lực thường xuyên từ công việc và cuộc sống cá nhân.
5. Âm thầm ôm việc – Quiet promotion
Bạn có đang phải vật lộn và đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong công việc mà không được thăng chức hoặc tăng lương không? Nếu có, xin chúc mừng, bạn đã được thăng chức một cách âm thầm.
Thuật ngữ này đã xuất hiện trong vài năm gần đây để mô tả một sự thất vọng khá phổ biến ở nơi làm việc: phải làm nhiều việc hơn với cùng một chức danh và một mức lương. Bạn có nhớ nhân vật Andy trong bộ phim The Devil Wears Prada năm 2006 không. Cô luôn cố gắng xoa dịu người chủ luôn đòi hỏi bằng cách đảm nhận ngày càng nhiều công việc trong khi cuộc sống cá nhân dần trở thành mớ hỗn độn (mặc dù cô được mặc bộ vest Chanel và giày cao gót Louboutin).
Khi Gen Z tiếp thu bài học về lương và trách nhiệm, họ phải nhận ra một số dấu hiệu.
Một dấu hiệu cho thấy có sự âm thầm ôm việc là khối lượng công việc mà bạn phải làm tăng lên đáng kể, thậm chí có bạn còn nhận thấy rằng khối lượng công việc đó nhiều hơn những gì đồng nghiệp cùng vị trí đang đảm nhiệm. Nếu bạn cho rằng mình đã được thăng chức một cách lặng lẽ, thì chìa khóa chính là sự đối đầu, có thể là yêu cầu thuê thêm nhân viên để giúp đỡ công việc hay thẳng thắn yêu cầu thay đổi mức lương và chức danh.
6. Diễn năng suất – Productivity theater
Diễn năng suất mô tả hành vi trong đó nhân viên ưu tiên công việc bận rộn như trả lời nhanh email thay vì công việc có ý nghĩa có thể thúc đẩy hoạt động kinh doanh phát triển.
Nhiều người trong chúng ta tham gia vào việc diễn năng suất cho dù làm việc từ xa, kết hợp hay trực tiếp. Lý do phổ biến là để chứng tỏ năng suất và thể hiện rằng chúng ta đang bận rộn. Bộ phim sitcom nổi tiếng The Office là một ví dụ. Trong khi các nhân vật đang làm việc trong văn phòng, giữa những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên, những trò chơi khăm và trò tai quái, bạn bắt đầu tự hỏi liệu họ có đang làm việc hay không.
Tuy nhiên, nó có thể trở thành một vấn đề của công ty nếu có quá nhiều người diễn trong thời gian dài. Đối với các lãnh đạo, điều quan trọng là không chỉ nhận ra thời điểm nó xảy ra mà còn phải giải quyết trực tiếp. Bám sát các giá trị của công ty và đối xử với nhân viên bằng sự tin tưởng là điều có giá trị khi nói đến năng suất.
7. Thiên vị – Proximity bias
Thiên vị là một thuật ngữ đã có từ nhiều thập kỷ trước trong lĩnh vực tâm lý học. Cụm từ này chỉ ra rằng chúng ta có nhiều khả năng thể hiện sự thiên vị hoặc chọn những người gần gũi với bản thân, điển hình là ở nơi làm việc. Thế giới công việc kết hợp ngày nay là điểm nóng cho sự thiên vị. Một cuộc khảo sát vào năm 2022 của Microsoft cho thấy 85% lãnh đạo tại nơi làm việc cảm thấy rằng việc chuyển đổi sang công việc kết hợp khiến họ khó tin tưởng nhân viên đang làm việc hiệu quả.
Khái niệm này rõ ràng không lý tưởng ở nơi làm việc và có thể trở nên khó khăn hơn trong môi trường làm việc kết hợp và từ xa. Các chương trình chuyên dụng và cải thiện từng cá nhân có thể giúp chống lại sự thiên vị. Sự mất kết nối cũng là kẻ thù chung. Do đó, tăng cường kết nối với những người khác tại nơi làm việc cũng có thể giúp loại bỏ sự thiên vị.
8. Thứ hai nhẹ nhàng – bare minimum Monday
The Bangles đã nói về điều này trong bài hát Manic Monday năm 1984. Đây là ngày mà nhiều người không muốn đến khi phải quay trở lại công việc sau kỳ nghỉ cuối tuần vui vẻ. Tuy nhiên, Gen Z bắt đầu thách thức áp lực tại nơi làm việc vào thứ Hai khi họ tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần bằng giữa công việc và cuộc sống.
Xu hướng thứ hai nhẹ nhàng cũng được Marisa Jo Mayes đặt ra trên TikTok. Nó có nghĩa là làm lượng công việc tối thiểu vào ngày này. Đối với một số người, họ cảm thấy thật dễ dàng khi bắt đầu tuần mới thì những người khác lại cảm thấy khó khăn, đặc biệt nếu họ không hài lòng trong công việc. Gen Z được cho là thế hệ không hạnh phúc nhất tại nơi làm việc. Điều này có thể giải thích tại sao xu hướng này lại đặc biệt hấp dẫn với họ.
9. Làm nhiều nghề cùng lúc – Polyworking
Làm nhiều công việc cùng một lúc ngày càng trở nên phổ biến hơn ở nơi làm việc. Chúng ta đã từng thấy khái niệm này trước đây khi thảo luận về việc làm ngoài giờ – một từ thông dụng khác được sử dụng để mô tả làm hai hoặc nhiều công việc cùng một lúc. Bộ phim sitcom Moonlighting năm 1985 có liên quan đến văn hóa này. Hiện tại, theo Deputy, số lượng “công nhân đa ngành” đã tăng gấp đôi từ năm 2021 đến năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển.
Đối với Gen Z, ưu tiên tài chính ổn định và linh hoạt tại nơi làm việc là điều quan trọng. Sự kỳ thị xung quanh việc chỉ có một công việc đang dần thay đổi, những nhân viên trẻ tuổi không còn quan tâm đến việc ràng buộc bản thân với một người chủ. Khi họ gia nhập lực lượng lao động, cứ năm người thuộc thế hệ này thì có một người đảm nhận nhiều hơn một công việc. Điều này mang đến một góc nhìn khác về an ninh công việc.
Dịch từ 9 Gen Z Work Trends That Aren’t New But Hit Different Now