Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao có những công ty giữ chân nhân viên 10-20 năm, nhưng cũng có công ty chỉ toàn các nhân viên mới? Câu trả lời nằm ở yếu tố “Trải nghiệm nhân viên”, còn gọi là Employee Experience, hay EX. Doanh nghiệp đầu tư vào trải nghiệm nhân viên tốt sẽ đảm bảo nhân viên thực sự muốn làm việc và cống hiến.
Trải nghiệm nhân viên là gì?
Trải nghiệm nhân viên có thể hiểu là tất cả những trải nghiệm, tương tác của một cá nhân trong suốt hành trình của mình tại doanh nghiệp, từ khi là ứng viên cho đến khi trở thành cựu nhân viên. Đây là định nghĩa đã được Josh Bersin – Chủ tịch và sáng lập viên của Bersin & Associates – tổ chức nghiên cứu, tư vấn về đào tạo doanh nghiệp và quản lý nhân tài đưa ra.
Tầm quan trọng của Trải nghiệm nhân viên đối với doanh nghiệp
Nguồn lao động chính hiện nay thuộc thế hệ Gen Y và Gen Z. Họ đi làm không chỉ để kiếm tiền mà còn để thỏa mãn niềm đam mê, thể hiện bản thân và hướng tới sự cân bằng giữa công việc-cuộc sống. Họ có xu hướng không muốn gắn bó lâu dài và trung thành với một nhà tuyển dụng nào cả, mà thích thay đổi để được thử những trải nghiệm công việc mới.
Nghiên cứu năm 2018 mang tên “Khảo sát thế hệ đương đại” (Millennial Survey) do Deloitte thực hiện trên 10.455 người thuộc thế hệ Y và 1.844 người thuộc thế hệ Z cho thấy tỷ lệ cam kết với doanh nghiệp trên 5 năm ở mức thấp (12-28%), trong khi tỷ lệ nhân viên trẻ xác định chỉ gắn bó với nhà tuyển dụng trong vòng 2 năm ở mức cao (43-61%). Với tỷ lệ nghỉ việc cao như vậy, doanh nghiệp cần có những giải pháp để thúc đẩy trải nghiệm của nhân viên, nhằm tối ưu hóa những đóng góp của họ ngay từ những ngày đầu làm việc.
Lợi ích của Trải nghiệm nhân viên đối với doanh nghiệp
Trải nghiệm tích cực sẽ đem lại nhiều lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp. Nghiên cứu của Học viện Công nghệ Massachusetts đối với 281 nhà lãnh đạo vào tháng 8/2016 cho thấy các doanh nghiệp có trải nghiệm nhân viên hàng đầu đạt được những kết quả rất ấn tượng:
- Lợi nhuận của các doanh nghiệp có EX ở top trên sẽ cao hơn 25% so với các doanh nghiệp có EX ở top dưới.
- Doanh nghiệp có EX ở top trên nhận được gấp đôi sự hài lòng của khách hàng. Điểm hài lòng của khách hàng ở các doanh nghiệp có EX ở top trên là 32 trong khi các doanh nghiệp có EX top dưới chỉ là 14.
- Doanh nghiệp có trải nghiệm nhân viên tích cực sẽ có văn hoá doanh nghiệp tích cực, tăng gấp đôi sự đổi mới. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng doanh nghiệp có EX ở top trên có 51% lợi nhuận từ các sản phẩm và dịch vụ mới trong vòng 2 năm gần đây, trong khi đó con số này là 24% ở các doanh nghiệp có EX ở top dưới.
- Theo một khảo sát toàn cầu khác từ IBM về trải nghiệm nhân viên vào năm 2016, trải nghiệm nhân viên tích cực có mối liên hệ chặt chẽ đến tỉ lệ nghỉ việc. Trong số 25% doanh nghiệp có trải nghiệm nhân viên tốt nhất thì chỉ 21% nhân sự có ý định nghỉ việc, con số này là 44% ở 25% doanh nghiệp có trải nghiệm nhân viên tệ nhất.
3 yếu tố cấu thành Trải nghiệm nhân viên
Trải nghiệm công việc – Procedural Employee Experience (PEX)
PEX là trải nghiệm thực tế của nhân viên về công việc của mình. Nó liên quan mật thiết tới cấu trúc, cách thức xử lý tác vụ của một cá nhân để hoàn thành vai trò và trách nhiệm của mình. PEX thường được xây dựng với mục đích tối ưu hóa cách nhân viên tham gia vào các hệ thống và quy trình làm việc hàng ngày, giúp họ có thể linh hoạt chuyển đổi từ tác vụ này sang tác vụ khác, đồng thời cải thiện tốc độ hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Trải nghiệm môi trường – Textural Employee Experience (TEX)
TEX đại diện cho kết cấu môi trường làm việc của mỗi nhân viên, trong đó bao gồm 3 môi trường chính:
- Physical environment (Môi trường vật lý): là không gian làm việc của một công ty, từ bố cục bày trí các đồ vật cho tới cách thiết kế văn phòng, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm thoải mái của nhân viên tại nơi làm việc.
- Technology environment (Môi trường công nghệ): bao gồm các công cụ và nền tảng công nghệ mà doanh nghiệp cung cấp để hỗ trợ nhân viên làm việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và năng suất làm việc của cá nhân và đội nhóm.
- Cultural environment (Môi trường văn hóa): là toàn bộ các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của một doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của nhân viên để theo đuổi và thực hiện các mục đích chung.
Trải nghiệm cảm xúc – Emotional Employee Experience (EEX):
EEX liên quan đến những suy nghĩ của nhân viên hướng tới doanh nghiệp, cách thức họ tương tác với đồng nghiệp, lãnh đạo, cũng như hoạt động thấu hiểu và điều hướng môi trường làm việc của mình. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong cả 3, quyết định đến đánh giá cuối cùng của một nhân viên về việc trải nghiệm họ nhận được tại doanh nghiệp là “tốt” hay “xấu”.
Nguồn: Tổng hợp