Đào tạo và phát triển nhân viên là một phần không thể thiếu trong việc phát triển nguồn nhân lực. Hai hoạt động trên đều nhắm mục tiêu cải thiện hiệu suất và năng xuất của nhân viên.
Giáo dục, đào tạo và phát triển năng lực của người lao động có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của một quốc gia và khả năng cạnh tranh kinh tế của một doanh nghiệp. Nhu cầu đào tạo và phát triển nhân viên ngày trong các tổ chức ngày càng tăng. Đào tạo được xem là yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng các mục tiêu chiến lược của tổ chức. Giờ đây chất lượng nhân viên đã trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của các doanh nghiệp.
1. Mục đích của đào tạo và phát triển
Thực tế cũng đã chứng mình rằng đầu tư vào nguồn nhân lực có thể mang lại hiệu quả cao hơn so với đầu tư vào trang thiết bị hay các yếu tố khác. Ở Việt Nam trình độ giáo dục chung của người lao động còn thấp, nhu cầu đào tạo và nâng cao trình độ lành nghề cho người lao động càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Trong các tổ chức vấn đề đào tạo và phát triển áp dụng nhằm:
- Trực tiếp giúp nhân viên thực hiện công việc tốt hơn, đặt biệt khi nhân viên không áp dụng được các tiêu chuẩn mẫu hay các nhân viên mới nhận việc.
- Cập nhật các kỹ năng, kiến thức mới cho nhân viên, giúp họ có thể áp dụng thành công các thay đổi công nghệ, kỹ thuật trong doanh nghiệp.
- Tránh tình trạng lỗi thời, giải quyết các vấn đề cho tổ chức. Đào tạo và phát triển có thể giúp các nhà quản trị giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, xung đột giữa các cá nhân giữa công đoàn và các nhà quản trị. Đề ra các chính sách về quản lý nguồn nhân lực của doanh nghiệp có hiệu quả.
- Hướng dẫn công việc cho nhân viên mới, các chương trình định hướng công việc đối với nhân viên mới sẽ giúp họ nhanh chóng thích ứng với môi trường làm việc của doanh nghiệp.
- Đào tạo và phát triển giúp cho nhân viên có được những kỹ năng cần thiết cho cơ hội thăng tiến và thay thế các cán bộ chuyên môn khi cần thiết. Chuẩn bị đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn kế cận.
- Thỏa mãn nhu cầu phát triển cho nhân viên, được trang bị những kỹ năng chuyên môn cần thiết. Những điều này sẽ kích thích nhân viên thực hiện công việc tốt hơn, đạt nhiều thành tích tốt và cơ hội thăng tiến cao hơn.
Xem thêm: Những Mô Hình Đào Tạo Trong Doanh Nghiệp Phổ Biến Nhất 2022
2. Khái niệm đào tạo – phát triển
Các khái niệm giáo dục, đào tạo, phát triển đều đề cập đến một quá trình tương tự: Quá trình con người tiếp thu các kiến thức, học các kỹ năng mới và thay đổi các quan điểm hay hành vi và nâng cao khả năng thực hiện công việc của cá nhân. Điều đó cũng có nghĩa là giáo dục, đào tạo, phát triển được áp dụng để làm thay đổi việc nhân viên biết làm và làm như thế nào. Và quan điểm của họ đối với công việc hoặc mối quan hệ với các đồng nghiệp và ban lãnh đạo.
Theo Cherrington, giáo dục mang tính chất chung cung cấp cho học viên các kiến thức chung có thể sử dụng trong những lĩnh vực khác nhau, đào tạo liên quan đến việc tiếp thu các kiến thức, kỹ năng đặc biệt, nhằm thực hiện những công việc cụ thể.

Tuy nhiên đào tạo có định hướng vào hiện tại, chú trọng vào công việc hiện thời của nhân viên giúp họ có ngay những ký năng cần thiết để thực hiện tốt công việc hiện tại. Còn phát triển nhân viên nhằm chú trọng lên các công việc tương lai trong tổ chức, doanh nghiệp. Khi một người muốn thăng tiến lên một chức vụ mới họ cần những kiến thức, kỹ năng mới theo yêu cầu công việc. Công tác phát triển nhân viên sẽ giúp cho các cá nhân chuẩn bị sẵn các kỹ năng và kiến thức cần thiết đó.
Bài viết tham khảo: Lợi Ích Và Các Dạng Đào Tạo Tại Nơi Làm Việc Mà Bạn Nên Biết
3. Thứ tự ưu tiên của đào tạo và phát triển nhân viên
Các chương trình đào tạo và phát triển trong doanh nghiệp đã chuyển từ hình thức đào tạo theo quá trình sản xuất, kỹ thuật công việc sang đào tạo để nâng cao lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ba vấn đề được ưu tiên quan trọng hàng đầu trong đào tạo và phát triển là: Nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ – kỹ thuật và phục vụ khách hàng.

Các chương trình nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng và yêu cầu cạnh tranh trong kinh tế toàn cầu. Nhân viên được huấn luyện về cách thức làm việc và cách thức phối hợp thực hiện theo nhóm các thức tham gia vào việc ra quyết định, sử dụng máy tính hỗ trợ trong các mô hình là những bộ phận quan trọng trong chương trình quản trị chất lượng đồng bộ.
Các chương trình đổi mới công nghệ, kỹ thuật vẫn tiếp tục thách thức đối với các doanh nghiệp hiện nay. Tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật đòi hỏi phải đào tạo cho nhân viên của mình để không bị lạc hậu. Yêu cầu cạnh tranh đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú ý đặc biệt tới các hoạt động nâng cao chất lượng khách hàng để có thể tăng cường lợi thế cạnh tranh của mình. Chương trình đào tạo định hướng phục vụ khách hàng trở nên đặc biệt quan trọng và chiến sự ưu tiên hàng đầu. Nhân viên của doanh nghiệp được đào tạo, huấn luyện cách thức giao tiếp, giải quyết các vấn đề.