Thang đo Bloom – Thang phân cấp mục tiêu trong đào tạo và học tập

Khi nhắc đến đào tạo và giáo dục, giảng viên, người thiết kế chương trình đều được yêu cầu xây dựng bài giảng dựa trên thang đo Bloom. Vậy thang đo này là gì và nó có hiệu quả gì trong việc thiết kế chương trình đào tạo? Hãy cùng LCT tìm hiểu trong bài dưới đây nhé!

Thang đo Bloom là gì?

Thang đo Bloom phân cấp các mục tiêu và kỹ năng học tập thành các mức độ khác nhau. Thang đo này được công bố lần đầu vào năm 1956 bởi Benjamin Bloom, một nhà Tâm lý học giáo dục tại trường đại học Chicago. Thang đo Bloom đề cập đến 6 cấp độ học tập, được sử dụng để thiết kế mục tiêu khóa học, các bài học và phương pháp nhận xét, đánh giá.

  1. Remembering – Ghi nhớ: Nhận biết, nhớ lại các kiến thức liên quan.
  2. Understanding – Hiểu: Trình bày kiến thức thông qua diễn giải, lấy ví dụ, phân loại, tóm tắt, suy luận, so sánh và giải thích.
  3. Applying – Vận dụng: Vận dụng kiến thức đã có để thực hiện một hành động cụ thể, có ý nghĩa.
  4. Analyzing – Phân tích: Phân chia nội dung thành các phần nhỏ, xác định mối liên quan giữa các phần và giữa chúng với tổng thể thông qua phân biệt, tổ chức và liên kết.
  5. Evaluating – Đánh giá: Đưa ra đánh giá dựa trên các tiêu chí và tiêu chuẩn đã đề ra.
  6. Creating – Sáng tạo: Sắp xếp lại các yếu tố để tạo thành nội dung mạch lạc, có ý nghĩa; hay sắp xếp lại các yếu tố thành một mô hình mới thông qua sáng tạo, lập kế hoạch.

Như mọi thang phân cấp khác, thang đo Bloom cũng có sự phân chia cấp độ. Nếu bạn muốn tiến lên cấp độ cao hơn, bạn phải nắm vững kiến thức và kỹ năng ở các cấp độ dưới. Thông thường, thang đo Bloom được vẽ dưới dạng kim tự tháp để thể hiện sự phân cấp này.

Thang đo Bloom hỗ trợ thiết kế khóa học như thế nào?

Thang đo Bloom là một công cụ tuyệt vời giúp thiết kế, phát triển các mục tiêu khóa học. Nó giải thích được quy trình học tập của con người khi tiếp thu và rèn luyện một kiến thức mới:

  • Trước khi bạn HIỂU một kiến thức, bạn phải GHI NHỚ nó trước.
  • Bạn HIỂU được kiến thức thì mới ÁP DỤNG chúng được.
  • Bạn cần PHÂN TÍCH rõ ràng về kiến thức thì mới có cơ sở để ĐÁNH GIÁ.
  • Đưa ra một quyết định hợp lý, SÁNG TẠO cần dựa trên ĐÁNH GIÁ đúng về các ý tưởng.

Tuy nhiên, không phải mọi khóa học đều có đầy đủ 6 cấp độ này. Bạn nên thiết kế khóa học phù hợp với trình độ của học viên:

  1. Học viên của bạn chưa có kiến thức gì về vấn đề này? Bạn muốn thiết kế chương trình tổng quan kiến thức? Nếu câu trả lời là đúng thì các mục tiêu đề ra chỉ nên tập trung vào cấp độ thấp trong thang đo Bloom là GHI NHỚ và HIỂU. Bạn có thể đề cập đến cấp độ vận dụng và phân tích, nhưng không nên quá tập trung vào nó vì sẽ khiến bài học trở nên “nặng nề”, lan man và học viên “khó tải” được toàn bộ bài.
  2. Nếu học viên đã có kiến thức căn bản về vấn đề, bạn nên lướt qua các phần ghi nhớ và hiểu để tập trung vào các cấp độ cao hơn. Việc tập trung quá nhiều vào cấp độ thấp sẽ gây ra nhàm chán và thờ ơ ở học viên.

Thang đo Bloom ảnh hưởng tới mục tiêu học tập như thế nào?

Bảng động từ dưới đây sẽ giúp bạn nhận ra những hành động tương ứng với từng cấp độ trong thang đo Bloom.

Lưu ý rằng một số từ sẽ xuất hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, nhưng chúng sẽ có độ khó khác nhau tùy vào từng cấp độ. Ví dụ, nếu mục tiêu là “Học viên giải thích được sự khác nhau giữa sáng tạo và tái tạo”, đây là cấp độ HIỂU. Nếu mục tiêu “Giải thích tư duy sáng tạo được sử dụng trong các tình huống cụ thể”, đây là cấp độ PHÂN TÍCH.

Các cấp độĐộng từVí dụ
Sáng tạoSáng tạo, thiết kế, phát minh, soạn thảo, phát triển, xây dựng, sửa đổiXây dựng kế hoạch giải quyết vấn đề cho dự án.
Đánh giáĐánh giá, so sánh, giải quyết, đề xuất, xếp hạng, xác định, chấm điểm, đối chiếuĐánh giá mức độ hiệu quả của các công cụ, phương pháp giải quyết vấn đề đối với hiệu quả làm việc của đội nhóm bạn.
Phân tíchXác định, phân tích, phân loại, minh họa, liên kết, đơn giản hóaPhân tích vai trò của các thành viên trong quy trình giải quyết vấn đề.
Vận dụngVận dụng, áp dụng, giải quyết, minh họa, chứng minh, trình bày, thực hiện, dự đoánVận dụng mô hình xương cá để giải quyết một vấn đề gần đây trong đội nhóm.
HiểuMô tả, giải thích, diễn giải, trình bày, tóm tắt, đưa ra ví dụ, đối chiếuMô tả những ảnh hưởng tích cực của giải quyết vấn đề đối với công việc.
Ghi nhớLiệt kê, phác thảo, đọc thuộc lòng, đặt tên, nhớ lại, xác định, gắn nhãn, nhận ra, trích dẫnLiệt kê các vấn đề tích cực và vấn đề tiêu cực bạn từng gặp phải trong công việc
Bảng các động từ được sử dụng trong thiết kế mục tiêu học tập

Thang đo Bloom ảnh hưởng đến chất lượng khóa học như thế nào?

Một khóa học chất lượng là một khóa học có thể đo lường được. Bảng động từ ở trên sẽ giúp bạn tránh những mục tiêu chung chung được như hiểu, học, đánh giá cao, thích thú. Đánh giá khóa học cần phù hợp với kết quả học tập của học viên. Nếu chuẩn đầu ra ở cấp độ ỨNG DỤNG hay cấp độ cao hơn, bạn không thể chứng minh rằng học viên đã đạt mục tiêu chỉ với phương pháp làm bài trắc nghiệm.

Thang đo Bloom ảnh hưởng đến mục tiêu bài học và mục tiêu khóa học như thế nào?

  • Bạn chỉ cần 3-5 mục tiêu cho một khóa học. Thực tế bạn rất khó đo lường chính xác các mục tiêu này vì chúng bao quát các chủ đề trong toàn bộ khóa học.
  • Mục tiêu bài học giúp ta xác định được học viên đã nắm vững mục tiêu khóa học. Các mục tiêu bài học cần được xây dựng nhằm đáp ứng được mục tiêu khóa học. Ví dụ học viên cần đáp ứng được 8 mục tiêu bài học để chứng tỏ đã nắm vững được mục tiêu khóa học.
  • Bảng động từ trong thang đo Bloom sẽ giúp bạn xây dựng được các mục tiêu bài học đáp ứng được mục tiêu khóa học.

Một số lưu ý để viết mục tiêu học tập hiệu quả

  1. Đảm bảo rằng mỗi mục tiêu đều chứa động từ có thể đo lường được.
  2. Mỗi mục tiêu chỉ có 1 động từ ở 1 cấp độ. Nếu có 2 cấp độ trong cùng 1 mục tiêu, bạn sẽ đánh giá như thế nào nếu học viên chỉ đáp ứng được 1 trong 2 cấp độ đó?
  3. Cố gắng giữ cho tất cả mục tiêu đều ngắn gọn, rõ ràng và có thể đo lường được.
  4. Đặt cấp độ cạnh động từ sẽ giúp bạn xây dựng các mục tiêu rõ ràng hơn. Đồng thời bạn cũng sẽ tập trung vào các cấp độ phù hợp với khóa học. Ví dụ (hiểu) Thảo luận về những ảnh hưởng tích cực của chuyển đổi số đối với tình hình phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.

Hy vọng bài viết này đã giúp các bạn hiểu hơn về thang đo Bloom và hiệu quả của nó trong việc thiết kế chương trình học phù hợp với trình độ của học viên.

Dịch từ nguồn: Using Bloom’s Taxonomy to Write Effective Learning Outcomes

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline:0967 92 56 56
Nhắn tin Facebook Zalo: 0967 92 56 56 Bản đồ