Tối đa hóa mọi cơ hội học tập: Thúc đẩy sự tham gia của học viên thông qua đàm thoại

Bạn có biết rằng “bất ngờ” là chìa khóa cảm xúc để mở khóa sự tương tác của học viên không? Thu hút sự tham gia của học viên là điều quan trọng. Nhưng cách mọi người chú ý đến một điều gì đó và cách họ sử dụng nội dung là điều chúng ta cần lưu ý. Việc thuyết trình tĩnh, một chiều dường như không còn phù hợp nữa.

Mở khóa sự tương tác: Sức mạnh của sự bất ngờ trong tương tác với khán giả

Nếu thật sự muốn thu hút sự quan tâm của học viên, bạn cần hiểu được cách thức hoạt động của tương tác trong bộ não con người. Bằng chứng từ nghiên cứu về khoa học thần kinh cho thấy rằng một người chú ý khi họ cảm thấy tò mò, mong muốn được biết nhiều hơn. Điều này xuất phát từ cảm giác pha trộn giữa ngạc nhiên, phấn khích và tin tưởng.

Sự ngạc nhiên rất quan trọng vì đó là cảm xúc duy nhất có thể chuyển đổi trạng thái cảm xúc của chúng ta từ tiêu cực (tức giận, sợ hãi, buồn bã,…) sang tích cực (tình yêu, niềm vui, phấn khích,…)

Nếu ai đó ngạc nhiên trước điều mà bạn kể hoặc cho họ xem, họ sẽ tò mò rằng: Tôi có thể học được gì ở đây để giúp ích cho tôi trong tương lai? Nếu điều được hỗ trợ bằng thông tin, công cụ và thực hành (kèm với sự tin tưởng) thì sự phấn khích và gắn kết sẽ theo sau.

Vì vậy, chúng ta cần nghĩ đến việc có yếu tố bất ngờ trong đào tạo. Điều này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức. Ví dụ như nhiều năm trước, tôi được giao nhiệm vụ tập hợp một nhóm người bận rộn để xác định cách chúng tôi có thể giúp bộ phận marketing sáng tạo hơn. Tôi không cung cấp trước cho mọi người quá nhiều thông tin. Thay vào đó, tôi chọn tổ chức cuộc họp khai mạc ở một thánh đường và phòng họp ở tu viện bên cạnh.

Đó là một địa điểm bất ngờ khiến mọi người tò mò muốn tìm hiểu thêm. Thông tin cũng vậy. Có thể bạn đã đọc dòng đầu tiên của bài viết này và thấy tò mò muốn tìm hiểu thêm.

Thu hút và duy trì sự chú ý: Chìa khóa để học tập hiệu quả

Điều quan trọng nhất đối với học viên là cách họ chú ý đến nội dung và trải nghiệm.

Khoảng chú ý của chúng ta rất ngắn… đây là quan niệm sai lầm phổ biến. Làm thế nào chúng ta có thể xem bộ phim suốt hai tiếng mà không cử động một cơ bắp nào? Hollywood đã phát hiện ra rằng độ dài cảnh ngắn, nhiều “đoạn chuyển đổi” và hiệu ứng máy quay rung lắc là chìa khóa để tăng lượng dopamine trong não và khiến ta chú ý. Nói cách khác, chuyển động là cánh cửa duy trì sự chú ý của chúng ta.

Nếu bạn muốn thu hút và duy trì sự chú ý của học viên thì bạn cần thay đổi hình thức đào tạo của mình thường xuyên hơn. Không dùng hình thức giảng giải quá lâu, không có gì trên màn hình quá lâu, không gữ nguyên một giọng điệu từ đầu tới cuối.

Giờ đây, học viên cần chúng ta thay đổi cách trình bày nội dung, trò chuyện nhiều hơn với họ và những người tham dự khác, sử dụng các định dạng nội dung khác nhau. Họ vẫn muốn nhận được thông tin hữu ích, thú vị và phfu hợp thông qua bài thuyết trình, nhưng phương thức truyền tải cần thay đổi. “Trình bày đàm thoại” chính là giải pháp.

Tạo bài thuyết trình đàm thoại

Nếu bạn ở cùng độ tuổi với tôi, bạn có thể đã từng đọc bộ sách “Choose Your Own Adventure” (Tựa Việt: Lựa chọn cuộc phiêu lưu của chính mình). Trong những cuốn sách này, câu chuyện được viết từ góc nhìn thứ hai, trong đó người đọc đóng vai anh hùng và đưa ra những lựa chọn quyết định hành động của nhân vật chính cũng như kết quả cốt truyện. Ở cuối mỗi trang hoặc chương, bạn sẽ chọn việc cần làm tiếp theo và lật sang trang đó trong sách.

Trình bày đàm thoại cũng theo ý tưởng đó. Bạn có tất cả nội dung nhưng bạn không trình bày nó theo tuyến tính. Người học là người quyết định họ sẽ trải nghiệm gì và theo thứ tự nào.

Đây là một phương pháp hiệu quả để khám phá mong muốn và nhu cầu của của học viên. Ý tưởng này là cuộc trò chuyện sẽ kiểm soát bài thuyết trình (cách mới), chứ không phải bài thuyết trình sẽ kiểm soát cuộc trò chuyện (cách cũ).

Bạn cũng có thể tăng cường sự chú ý nhiều hơn bằng cách nói, chẳng hạn như “Chúng ta có 7 điều có thể đề cập trong khóa đào tạo ngày hôm nay, nhưng chúng ta chỉ có thời gian cho 5 điều. Điều gì là quan trọng nhất?” Đây là một cách rất hiệu quả để thu hút mọi người tham gia, tập trung và trò chuyện.

Tầm quan trọng của lắng nghe tích cực

Lắng nghe quan trọng hơn nghe. Nó bao gồm hiểu và phản hồi.

Hai năm trước, tôi đã tham dự lớp học về hài kịch ngẫu hứng và đã học được sở thích vui nhộn này từ đó. Có nhiều kỹ năng tôi học được có thể áp dụng vào thuyết trình và giao tiếp, nhưng giá trị nhất vẫn là kỹ năng lắng nghe tích cực.

Để ứng biến, bạn phải buông bỏ độc thoại nội tâm, thực sự tập trung và lắng nghe bạn diễn của mình. Bạn không thể nghe trong 5 giây rồi suy nghĩ và lên kế hoạch cho những gì mình nói. Bạn phải lắng nghe đến cuối những gì người kia đang nói và sau đó bạn mới có thể phản hồi.

Điều này không chỉ giúp tôi trở thành bạn diễn tốt mà khi trao đổi thuyết trình, nó khiến tôi trở thành người giao tiếp và thuyết trình tốt hơn. Tôi tự tin và can đảm hơn để không phải theo kịch bản và bám sát kế hoạch. Thay vào đó, tôi thực sự tương tác với học viên và chỉ trình bày với những điều có liên quan.

Nghệ thuật đặt câu hỏi

Các câu hỏi khơi dậy tò mò và thúc đẩy tương tác. Chúng ta cũng có thể sử dụng các câu hỏi để thúc đẩy học tập. Khi bắt đầu buổi học, việc sử dụng câu hỏi để bắt đầu cuộc thảo luận sẽ giúp buổi học cực kỳ hiệu quả.

Bạn có thể sử dụng các dạng câu hỏi:

  • Các tình huống hấp dẫn: Ví dụ như “Hãy tưởng tượng bạn có thể thay đổi một thói quen làm việc để thực hiện công việc hiệu quả hơn. Nó sẽ là gì và tại sao bạn chọn thói quen đó?”
  • Câu hỏi phản ánh: Ví dụ như “Có ai có thể chia sẻ một thử thách trong công việc mà bạn ước gì đã được học về <trọng tâm chương trình đào tạo> không?
  • Kết nối cá nhân: Ví dụ như “Bạn đang hy vọng cải thiện kỹ năng hoặc kiến thức nào trong chủ đề của chúng ta hôm nay?”
  • Thử thách tương tác: Ví dụ như “Phần nào trong kỹ năng <trọng tâm chương trình đào tạo> mà bạn thấy khó và gặp vấn đề?”

Bạn cũng có thể đặt những câu hỏi tu từ làm nổi bật những thách thức chung hoặc nhấn mạnh tầm quan trọng của một kỹ năng, một vấn đề hay một sự thật nào đó.

Xu hướng mới trong đào tạo

Sự tham gia của người học phụ thuộc vào sự kết hợp mạnh mẽ giữa sự ngạc nhiên, phấn khích và tin tưởng.

Thuyết trình đàm thoại có thể là một cách để kết hợp các yếu tố này, biến các phiên họp thông thường thành hành trình khám phá. Đóa là việc chuyển từ cách trình bày đơn thuần sang cuộc trò chuyện có ý nghĩa, trong đó mọi cuộc trao đổi đều khơi dậy sự tò mò và củng cố hiểu biết thông qua sự tham gia tích cực của người học.

Khi bạn hướng tới tương lai của đào tạo doanh nghiệp, lời khuyên của tôi là hãy đón nhận và thử nghiệm phương pháp mang tính thay đổi này. Không có giải pháp nào phù hợp cho tất cả, nhưng nếu bạn thử nghiệm phương pháp tạo ngạc nhiên để thu hút học viên, để lắng nghe tích cực làm sâu sắc hơn các kết nối và đưa ra các câu hỏi khơi gợi tương tác, tôi tin rằng điều đó có thể gặt hái được kết quả tốt.

Dịch từ Maximize Every Training Opportunity: Driving Audience Engagement Through Conversational Presenting

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline:0967 92 56 56
Nhắn tin Facebook Zalo: 0967 92 56 56 Bản đồ